Từng là thứ lá rụng đầy trên rừng, không ai ngó ngàng, lá tre Bát Độ, lá bương, lá giang nay đã trở thành “mỏ vàng”. Nhờ sự nhạy bén của một doanh nghiệp địa phương, những loại lá này được thu gom, sấy khô và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, mang về doanh thu gần 200 triệu đồng mỗi tháng.
Biến “vàng bỏ đi” thành “mỏ vàng”
Công ty mà chúng tôi nhắc đến là Công ty TNHH một thành viên Hải Hà Lai Châu, do anh Nguyễn Văn Thức làm giám đốc.
Thứ lá bỏ đi qua tay công ty lại trở thành hàng xuất khẩu, đó là: Lá tre Bát Độ, lá bương và lá giang. Các loại lá này mọc đầy trên những cánh rừng ở Lai Châu.
Xưởng sản xuất lá tre của anh Thức nằm ở tổ 1 (phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu). Khi chúng tôi đến, anh Thức đang hướng dẫn công nhân tép lá (buộc thành từng bó nhỏ).
Trên khoảng sân rộng rãi cạnh nhà xưởng, gần 20 phụ nữ ở các độ tuổi khác nhau, đang cắm cúi ngồi nhặt, tép lá.
Bên trong nhà xưởng, mấy công nhân nam (chủ yếu là thanh niên) hì hục khiêng từng sọt lá tre khô từ lò sấy ra khu tập kết, để nguội.
Từ ý tưởng táo bạo đến hiện thực
“Tìm hiểu qua sách, báo, mạng internet, tôi mới biết đến nghề sản xuất lá tre xuất khẩu. Qua khảo sát thực tế, nhận thấy ngành nghề này có thể phát triển được ở Lai Châu, nên tôi đã quyết định xây dựng nhà xưởng sản xuất, ngay sau khi tìm được đối tác xuất khẩu là một ông chủ người Đài Loan” – anh Thức cho hay.
Bắt tay vào xây dựng nhà xưởng từ tháng 6, những mãi đến tháng 8/2021, Công ty của anh Thức mới chính thức đi vào hoạt động sản xuất.
Trước đó, anh Thức đã tiến hành thu mua lá tre tươi ở một số huyện, thành phố trong tỉnh Lai Châu và sản xuất thử nghiệm.
Theo anh Thức, khi bắt tay vào sản xuất lá tre, anh không mấy lo lắng về nguyên liệu đầu vào. Bởi lẽ, lá tre bát độ và các loại lá khác như: Lá bương, lá giang có rất nhiều ở trên các cánh rừng của tỉnh Lai Châu.
Chúng không chỉ mọc hoang trên rừng mà còn được trồng tập trung ở một số địa phương trong tỉnh. Việc hái lá không những không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của các loại cây tre, bương, giang mà còn kích thích chúng phát triển tốt hơn.
Tạo thêm việc làm cho nhiều lao động
“Xưởng sản xuất lá tre của công ty đi vào hoạt động, đã góp phần giải quyết được công ăn, việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Chỉ tính số lao động thường xuyên tại xưởng cũng trên dưới 70 người…”, anh Thức thông tin.
Theo anh Thức, phấn lớn lao động là người dân ở phường Quyết Tiến và các xã, phường khác của thành phố Lai Châu. Thu nhập của công nhân tại xưởng dao động từ 130 – 200.000 đồng/ngày…
Chị Nguyễn Thị Toan, tổ 7 (phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu) vui vẻ nói: “Thời gian gần đây, ngày nào tôi cũng đến xưởng của anh Thức để nhặt, tép lá thuê. Công việc này khá nhàn và đơn giản. Từ những bó lá tre bát độ, lá giang mà Công ty mua gom về, chúng tôi tháo ra, chọn những lá đẹp, sau đó buộc lại thành từng bó nhỏ…”.
Những công nhân như chị Toan được công ty trả công theo tiếng, mỗi tiếng tép lá được 16.000 đồng.
Lá tre, lá bương, lá giang mà anh Thức thu mua có chiều ngang khoảng 8cm, chiều dài từ 35cm trở lên. Mỗi ngày, anh Thức thu mua từ 2,5 – 5 tấn lá tre tươi, với giá mua tại xưởng là 9.000 đồng/kg.
Đầu tư sấy khô để bảo quản
Chia sẻ với Dân Việt về quy trình sản xuất lá tre, anh Thức cho biết: “Công ty lắp đặt 2 lò sấy tại xưởng, với công suất 2,5 tấn/ngày. Sau khi mua gom lá tre tươi về, Công ty tiến hành tép lá, sau đó xếp vào sọt, rồi đưa vào lò sấy…”.
Theo anh Thức, lò sấy có 4 tầng, chủ yếu sử dụng củi để đun, với nhiệt độ duy trì ở mức 70 độ C. Thời gian sấy khoảng 20 tiếng.
Trong quá trình sấy lá tre, có công nhân túc trực canh lò, đảm bảo nhiệt độ ổn định cho lò sấy. Nếu nhiệt độ lò sấy cao quá sẽ làm cho lá bị quắt, héo không sử dụng được, còn nhiệt độ thấp thì thời gian sấy lâu hơn.
“Sau khi sấy đủ thời gian, tôi cho công nhân chuyển từng sọt lá tre ra khu vực để nguội, sau đó mới tiến hành đóng kiện”, anh Thức cho hay.
Mỗi ngày, anh Thức sản xuất được khoảng 2,5 tấn lá tre khô. Sản phẩm lá tre khô do công ty anh Thức sản xuất, được xuất khẩu chủ yếu sang Đài Loan để làm lá gói bánh. Vì ký hợp đồng với một ông chủ người Đài Loan nên anh Thức không phải lo đầu ra cho sản phẩm lá tre khô. Sau khi trừ chi phí, công ty anh Thức lãi gần 200 triệu đồng/tháng từ xuất khẩu lá tre khô sang Đài Loan.